Team Building có lẽ không còn là hoạt động xa lạ với mỗi người. Và câu chuyện nhân viên than phiền về trải nghiệm này không phải chỉ xuất hiện thời gian gần đây. Trong bài viết hôm nay, Office Hero xin được cung cấp tất tật một loạt thông tin liên quan đến hoạt động này nhé!
Team building là gì?
Trong tiếng Việt, teambuilding được hiểu là hoạt động xây dựng đội ngũ. Thực tế khi nhắc đến khái niệm này mỗi người sẽ một cách hiểu khác nhau. Có người xem đây là một chuyến đi, hoạt động vui chơi, có người quan niệm đây là hoạt động nhằm tăng sự đoàn kết trong một tập thể. Hiểu một cách chính xác nhất thì team building là một chuỗi hoạt động bao gồm du lịch, tổ chức trò chơi, tiệc, gala tổng kết…
Kinh phí mà mỗi tổ chức, công ty… bỏ ra cho mỗi chuyến team building chắc chắn là không hề nhỏ. Nhưng cũng chính vì những ý nghĩa mà hoạt động này mang lại, hằng năm, các công ty lại tổ chức 1 – 2 lần teambuilding:
Tạo sự đoàn kết, gắn kết trong tổ chức
Tham gia team building là khi mọi người trong cùng một tập thể sẽ cùng sinh hoạt, chơi trò chơi cùng nhau. Những cá nhân bình thường ít có dịp chuyện trò, hợp tác thông qua hoạt động này có thể gắn kết và tìm hiểu nhau nhiều hơn.
Đặc trưng không thể thiếu của team building chính là các hoạt động theo team, đòi hỏi tinh thần đồng đội. Mỗi thành viên trong nhóm lúc này đều cùng chung một mục tiêu, cố gắng phối hợp để giành chiến thắng. Cũng chính vì thế mà tinh thần đoàn kết sẽ được phát huy.
Truyền đạt sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tổ chức đó:
Thông thường những hoạt động trong team building sẽ do bộ phận HR lên kế hoạch chuẩn bị kỹ càng. Những công ty, tập đoàn lớn hơn thậm chí còn hợp tác với công ty chuyên tổ chức sự kiện. Trong mỗi hoạt động, người tổ chức đều lồng ghép những thông điệp, câu slogan, chủ đề để người tham gia thêm hiểu hơn về doanh nghiệp, công ty.
Team building đích thị là một hoạt động khéo léo để doanh nghiệp truyền tải khéo sứ mệnh của công ty một lần nữa đến nhân viên. Mong muốn của ban tổ chức sau chuyến đi chính là nhân viên có thể thấu hiểu được thông điệp và phát huy tốt trong công việc, góp phần làm doanh nghiệp phát triển hơn.
Cơ hội để nghỉ ngơi, khám phá vùng đất mới
Tạm gác lại cuộc sống thường nhật với laptop, KPI, deadline… teambuilding còn là cơ hội để mỗi người tham gia tận hưởng một kỳ nghỉ, khám phá thêm một vùng đất mới. Và có lẽ với các nhân viên, đây thực sự là điều họ mong đợi sau mỗi chuyến teambuilding.
Các hình thức teambuilding
Về hình thức, teambuilding có 2 loại cơ bản như sau:
Team Building trong nhà (indoor):
Các hoạt động teambuilding sẽ được tổ chức trong không gian như hội trường, sân thi đấu trong nhà.
Ưu điểm:
- Thời gian diễn ra ngắn, ban tổ chức chủ yếu tổ chức các trò chơi nhỏ, người chơi có thể cảm thấy không quá mệt.
- Tiết kiệm chi phí
Nhược điểm:
- Thông điệp truyền tải của doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị hạn chế hơn vì thời gian ngắn.
- Các hoạt động, trò chơi sẽ không có sự đa dạng.
Team building ngoài trời (outdoor)
Thay vì chỉ giới hạn trong một không gian, team building ngoài trời được tổ chức đa dạng các địa điểm từ lên rừng hay xuống biển.
Ưu điểm:
- Doanh nghiệp, tổ chức có thể truyền tải cụ thể thông điệp đến người tham gia
- Các trò chơi được tổ chức đa dạng, giúp nhân viên có thêm nhiều niềm vui, kỷ niệm nhiều hơn.
Nhược điểm:
- Kinh phí tổ chức cao
- Nếu teambuilding ngoài trời cũng dễ trở thành con dao hai lưỡi, trong trường hợp chuỗi hoạt động diễn ra không được thuận lợi, nhiều bất cập, nhân viên rất dễ có ác cảm với teambuilding.
Đi team building, tổ chức sao cho vui?
Nếu áp lực của người làm marketing là phải nghĩ idea, content sao cho thật ấn tượng thì với người làm HR, mỗi lần đến teambuilding, việc nghĩ ra trò chơi các hoạt động cũng là một thú vị. Niềm hạnh phúc của một người tổ chức teambuilding có lẽ chính là người tham gia trở về nói rằng đó là một trải nghiệm đáng nhớ chứ không phải xem đó là trải nghiệm “nhớ đời”. Và dưới đây là một vài bí kíp để tổ chức teambuilding sao cho vui:
Thấu hiểu tập thể
Việc thấu hiểu ở đây không phải dừng lại ở việc phòng ban, công ty sẽ có bao nhiêu người, số đông sẽ thích đi đâu. Để hoạt động team building diễn ra hợp tình hợp lý, vẹn cả đôi đường thì người tổ chức phải hiểu những người tham gia sẽ chia ra thành những đặc điểm gì. Ví dụ trong công ty, trong phòng ban đó, ai là người hướng nội, hướng ngoại, ai là người lớn tuổi so với mặt bằng chung… Việc thấu hiểu ngay từ đầu giúp người tổ chức hoạch định ra kế hoạch rõ ràng, tổ chức các hoạt động có thể phù hợp với tất cả mọi người.
Lắng nghe ý kiến người tham gia
Trước khi teambuilding diễn ra, ban tổ chức có thể tham kiến của những người tham dự, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên để lên bảng kế hoạch hợp lý. Trong trường hợp “9 người 10 ý”, ban tổ chức có thể lên một bảng kế hoạch để mỗi nhân viên có thể hình dung sau đó điều chỉnh dựa trên những đóng góp của mỗi người.
Liệt kê những rủi ro
Về cơ bản tổ chức teambuilding cũng đồng nghĩa tổ chức một sự kiện. Để sự kiện diễn ra thành công, ban tổ chức cũng cần lên danh sách những rủi ro để khâu chuẩn bị có thể kỹ càng hơn.
Quan tâm đến từng chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ
Đôi khi vì mải chuyên tâm đến những hoạt động chính, địa điểm, mục đích của chuyến đi mà ban tổ chức có thể bỏ qua những tình tiết tưởng chừng như rất nhỏ nhưng góp phần không nhỏ để team building thật sự vui. Bạn có thể lưu ý những vấn đề như:
Nhạc nền: Chuẩn bị nhạc nền sôi động, vui tươi để khuấy động bầu không khí hay những phút giây lắng đọng, đêm gala thì cần nhạc gì. Đây cũng là vấn đề mà ban tổ chức không nên bỏ qua.
Sắp xếp chỗ ở cho các thành viên: Ban tổ chức cũng cần nhắc đến yếu tố này, lên danh sách đăng kí từ trước thay vì đến lúc check in mới bắt đầu sắp xếp sẽ gây nên sự lộn xộn không đáng có.
Chuẩn bị thuốc, dụng cụ y t: Để đề phòng việc trong chuỗi hoạt động sẽ có thành viên bị mệt, ban tổ chức cũng cần chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc, dụng cụ ý tế.
Những trò chơi không nên tổ chức?
Để teambuilding không phải là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là phái nữ, ban tổ chức không nên đưa những trò chơi như sau vào danh sách:
Những trò chơi có tiếp xúc cơ thể nhiều
Không ít các đồng nghiệp nữ đã từng chia sẻ bản thân mình cảm thấy như bị quấy rối khi tham gia các trò chơi mà giữa nam nữ có tiếp xúc cơ thể quá thân mật, dẫn đến việc đụng chạm cơ thể. Những trò chơi có tính chất thế này như: Tổ chức thi đồng nghiệp nào nào bế các bạn nữ lâu nhất; 2 người một team cùng cùng cố ngậm chung một món đồ ăn, team nào ăn nhanh nhất sẽ thắng; một người được cả đội bế lên để hoàn thành nhiệm vụ…
Trò chơi “Sự thật hay thử thách”
Trò chơi này sẽ thú vị trong trường hợp những người chơi thật sự thân thiết và thấu hiểu nhau. Trong một tập thể khá đông người, không phải ai cũng thân thiết thì việc tham dự trò chơi này sẽ khiến mọi người e ngại. Chẳng ai dám chia sẻ những điều thầm kín của mình trước đám đông cả! Không chỉ thế, những thử thách được đặt ra trong trường hợp người chơi không chọn nói thật trong nhiều trường hợp sẽ quá khích, chẳng hạn như tỏ tình một người, hát một bài hát trong khi người chơi cảm thấy không tự tin, thoải mái…
Trò chơi có tính chất bất ngờ, bất chấp thời tiết
Nhiều ban tổ chức vì muốn tạo sự bất ngờ cho mọi người khi tham gia teambuilding mà có thể gọi cả team dậy để tham gia trò chơi trong khi ai đấy đều ngái ngủ. Cũng có trường hợp là dù trời nắng gắt hay mưa giông, mọi người vẫn phải chơi hết mình. Tham gia trò chơi khi cơ thể cảm thấy không thoải mái chắc chắn là điều mà không ai thích cả. Bên cạnh đó, những trò chơi như thế này cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham dự.
Trên đây là tất tần tật những thông tin, kiến thức về team building mà Hero Office mong muốn gửi đến đọc giả. Hy vọng sau bài viết này, team HR sẽ có thêm kinh nghiệm, bí kíp để tổ chức một teambuilding thành công.